Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2011

Giới thiệu bóng đá

Bóng đá là môn thể thao đồng đội được chơi giữa hai đội với nhau, mỗi đội có 11 cầu thủ trên sân. Trò chơi này dùng một quả bóng và thường được chơi trên sân cỏ hình chữ nhật với hai khung thành ở hai đầu sân. Mục tiêu của trò chơi là ghi điểm bằng cách đưa bóng vào khung thành của đội đối địch. Ngoại trừ thủ môn, các cầu thủ khác đều không được cố ý dùng tay hoặc cánh tay để chơi bóng. Đội chiến thắng là đội ghi được nhiều bàn thắng hơn khi kết thúc trận đấu.
Theo một cuộc khảo sát công bố vào năm 2001 của FIFA, tổ chức quản lý bóng đá trên thế giới, có hơn 240 triệu người thường xuyên chơi bóng đá ở hơn 200 quốc gia. Luật chơi đơn giản và dụng cụ thi đấu ít tốn kém giúp cho trò chơi này phát triển mạnh mẽ. Ở nhiều nước, bóng đá có vai trò quan trọng trong cuộc sống của người hâm mộ, trong cộng đồng địa phương hay cả quốc gia; do đó có thể nói đây là môn thể thao phổ biến nhất thế giới.
Cơ quan quản lý bóng đá thế giới, FIFA (Fédération Internationale de Football Association, liên đoàn bóng đá quốc tế) được thành lập vào năm 1904 tại Paris với chủ tịch đầu tiên là ông Robert Guérin, một người Pháp,ngay từ khi thành lập FIFA đã tuyên bố sử dụng và tôn trọng bộ luật bóng đá do FA đưa ra.Từ năm 1913, cơ quan theo dõi luật bóng đá IFAB bắt đầu bổ sung các thành viên là đại diện của FIFA.Hiện nay ban điều hành của IFAB bao gồm 4 đại diện của FIFA và 4 đại diện đến từ các liên đoàn.Tính cho đến năm 2008, FIFA có 208 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ có đại diện là thành viên,nhiều hơn Ủy ban Olympic Quốc tế 3 thành viên và nhiều hơn Liên Hiệp Quốc 16thành viên.
Việc khai thác các lợi ích kinh tế của bóng đá bắt đầu diễn ra ngay từ thập niên 1880 ở Anh. Tiền vé vào sân của mỗi trận bóng đá đã giúp các đội bóng tự nuôi sống và xây dựng các sân đấu. Trung bình một trận đấu tại mùa giải vô địch đầu tiên của bóng đá Anh (mùa 1888-1889) thu hút khoảng 4.639 khán giả, cho đến cuối thế kỷ 19 con số này đã tăng lên khoảng 10.000 người và đến trước Thế chiến thứ nhất là 20.000 người.
Theo thống kê của mùa bóng 2006-2007 thì câu lạc bộ có doanh thu lớn nhất thế giới là Real Madrid của Tây Ban Nha với 351 triệu euro, sau đó là Manchester United của Anh (315,2 triệu), FC Barcelona của Tây Ban Nha (290,1 triệu), Chelsea FC và Arsenal FC cùng của Anh (283 và 263,9 triệu). Doanh thu tăng nhưng các câu lạc bộ cũng phải đối mặt với số tiền phải chi trả cho lương cầu thủ, đặc biệt là các ngôi sao của đội. Theo thống kê của mùa bóng 2007-2008, 20 câu lạc bộ của Giải vô địch bóng đá Ý đã phải chi tổng cộng 768,4 triệu euro tiền lương cầu thủ, tăng thêm 101,9 triệu euro chỉ sau một mùa. Bên cạnh các mối lợi kinh tế trực tiếp, bóng đá cũng đem lại nguồn thu cho các ngành kinh tế có liên quan, đặc biệt là du lịch. Ví dụ thành phố Auxerre của Pháp vốn rất nhỏ với chỉ hơn 40.000 dân nhưng nhờ có đội bóng AJ Auxerre có thành tích khá tốt tại giải vô địch Pháp nên kéo theo đó du lịch của thành phố này cũng phát triển. Một ví dụ khác là việc tổ chức World Cup 2006 chỉ trong vòng 1 tháng đã giúp lượng khách du lịch đến Đức trong cả năm 2006 tăng thêm 9 phần trăm
Ngày nay bóng đá đã được chơi ở cấp độ chuyên nghiệp trên khắp thế giới với hàng triệu người đến sân theo dõi các trận đấu cũng như hàng tỷ người theo dõi qua truyền hình. Theo một cuộc thăm dò do FIFA tiến hành năm 2001, có trên 240 triệu người từ trên 200 quốc gia thường xuyên chơi bóng đá. Không chỉ là môn thể thao phổ biến nhất thế giới, bóng đá còn có ảnh hưởng lớn đến nền thể thao và xã hội nhiều quốc gia, hãng truyền hình ESPN từng cho rằng chính đội tuyển Bờ Biển Ngà đã giúp ngăn chặn nguy cơ một cuộc nội chiến tại nước này vào năm 2005.Không chỉ là một môn thể thao thông thường, bóng đá đôi khi còn có ảnh hưởng chính trị ở khu vực hoặc thậm chí là quốc tế. Một số câu lạc bộ bóng đá thành công thường được coi là biểu tượng cho địa phương hoặc chủ nghĩa dân tộc nơi đội bóng đóng quân, FC Barcelona được người Catalan coi là biểu tượng cho tinh thần tự trị của họ, hoặc như Athletic Bilbao là niềm tự hào của người dân xứ Basque với lý do tương tự.Ngược lại đôi khi bóng đá cũng được coi là liều thuốc đoàn kết tinh thần của một quốc gia, có thể kể tới chiến thắng của đội tuyển Pháp tại World Cup 1998 hay của Iraq tại Cúp bóng đá châu Á 2007, theo lời chủ tịch Liên đoàn bóng đá Iraq Hussein Saeed thì “người Iraq chỉ sống vì bóng đá, và đó là bí mật để họ có thể đối mặt với mọi khó khăn”.Đôi khi bóng đá lại trở thành phương tiện để thúc đẩy hoặc hàn gắn quan hệ ngoại giao giữa các nước có mâu thuẫn, có thể kể tới trận đấu lịch sử giữa Mỹ và Iran tại vòng đấu loại bảng F World Cup 1998 hay World Cup 2002, giải đấu được Nhật Bản và Hàn Quốc, hai quốc gia vốn có nhiều mâu thuẫn lịch sử, tổ chức chung khá thành công.

1 nhận xét:

well come to my blogger, all your comment are very fun
All comment will approve immediately
:D ! Good happy